Lý do giá MacBook cao vẫn nhiều người chọn mua

Giá MacBook thường cao hơn các mẫu máy tính xách tay chạy Windows dù có cấu hình tương đương nhưng vẫn được tin dùng trên toàn cầu.

Có rất nhiều từ để nói về những ưu điểm trên mẫu máy tính xách tay của Apple, nhưng khi nói tới giá MacBook thì không ai có thể cho là “rẻ”. Nhưng nhiều người vẫn sẵn sàng chi tiền để sở hữu không phải vì lý do thương hiệu, mà còn bởi những trải nghiệm mà sản phẩm có thể mang lại.

Trải nghiệm macOS liền mạch

MacBook đem lại trải nghiệm đầy đủ cho người dùng cơ bản
chụp màn hình

Như các hệ điều hành trên thế giới hiện nay, macOS không thể gọi là hoàn hảo nhưng vẫn đem lại trải nghiệm tốt so với mặt bằng chung, bên cạnh đó là khả năng bảo mật, độ tin cậy cũng như giao diện tương đối thân thiện, dễ làm quen. Tuy không nhiều ứng dụng từ các nhà phát triển thứ ba như nền tảng Windows, macOS vẫn có nhiều tính năng hữu dụng từ chính nền tảng này để thay thế chương trình ngoài. Các nhà phát triển cũng mang tới lượng phần mềm quan trọng đủ dùng để phục vụ cho đa phần nhu cầu công việc hiện nay cần tới máy tính.

Khả năng bảo mật của Apple cũng đáng kể và không có gì ngạc nhiên khi đa phần người dùng macOS không cài thêm bất kỳ ứng dụng diệt virus nào lên máy. Hệ thống cho phép người dùng kiểm soát quyền truy cập dữ liệu của từng ứng dụng.

Một trong những lợi thế cực lớn của thương hiệu máy tính Apple chính là việc hãng sản xuất cả phần cứng lẫn phần mềm để tạo ra khả năng tương thích cao, giúp các chương trình luôn được tối ưu. Ngược lại, cùng một hệ điều hành Windows nhưng có quá nhiều nhà sản xuất khác nhau, linh kiện phần cứng cũng không đồng nhất. Trên thị trường có phương án cài Hackintosh lên máy tính chạy Windows gốc để trải nghiệm macOS nhưng độ tương thích giữa hệ điều hành và phần cứng không cao, có nhiều giới hạn.

Độ tin cậy cao

Năm 2022 nhưng người dùng sẽ không khó để tìm thấy những mẫu MacBook hay Mac Mini ra đời từ năm 2012, 2014 vẫn đang được sử dụng và chạy ổn cho nhu cầu cơ bản. Khi ra đời, những model này có bộ nhớ RAM chỉ 4 GB hoặc 8 GB kèm ổ cứng 128 GB, 256 GB. Với một chiếc máy tính chạy Windows, khả năng hoạt động ổn định sau 10 năm là rất khó.

Không đề cập tới độ tin cậy cao vì rủi ro dính virus hay mã độc vô cùng thấp, bản thân chất lượng phần cứng đã cho thấy một chiếc MacBook đắt tiền ở thời điểm mua sẽ đáng giá ra sao nếu người dùng xác định gắn bó lâu dài với máy. Sau 10 năm, các máy sẽ không còn được hỗ trợ cập nhật bản OS (hệ điều hành) mới nhất, nhưng điều đó không gây nhiều rắc rối, trở ngại gì cho người dùng trong quá trình sử dụng hằng ngày.

Mẫu MacBook Pro 2015 rất phổ biến tại Việt Nam và sau gần 8 năm vẫn được ưa chuộng
chụp màn hình

Phần mềm được hỗ trợ cập nhật lâu

Tương tự iPhone, Apple thường hỗ trợ cập nhật macOS trên dòng máy tính của mình (hoàn toàn miễn phí) trong nhiều năm. Theo thống kê, một chiếc MacBook Pro đời 2012 có thể được nâng cấp hệ điều hành lên tới 7 năm liên tiếp, tương đương 7 phiên bản OS lớn (không tính các bản cập nhật nhỏ).

Một số model có thể bị dừng hỗ trợ nâng cấp, nhưng Apple sẽ tiếp tục tung các bản update nhỏ, chủ yếu vá lỗi bảo mật, tăng độ ổn định. Đôi khi “táo khuyết” thông báo dừng cập nhật nhưng vài năm sau vẫn ra bản vá bảo mật nếu thấy cần thiết.

Ngoài ra, cộng đồng nhà phát triển phần mềm cho macOS thỉnh thoảng vẫn tạo ra bản patch dành cho các phiên bản không còn được hỗ trợ trên các model có phần cứng đã quá cũ.

Luôn dễ bán lại

Giá mua mới MacBook luôn cao, nhưng nhờ đó giá bán lại cũng cao, đặc biệt khi so với máy tính xách tay dùng Windows. Thông thường, thiết bị phần cứng do Apple sản xuất rất giữ giá (nhờ chất lượng cũng như độ tin cậy) và một lý do khác là nhiều người muốn sở hữu máy tính có logo quả táo khuyết hơn là sản phẩm của các nhà sản xuất khác (dùng Windows).

Kể cả khi Apple liệt một thiết bị vào danh sách “đồ cổ” thì chiếc máy đó vẫn có giá trị trên thị trường mua bán hàng đã qua sử dụng. Sức hấp dẫn của dòng máy tính này cao tới nỗi chương trình “Thu cũ đổi mới” của chính Apple gần như bị người dùng bỏ qua. Thay vào đó, họ bán sang tay người khác để được giá hơn.

Đắt không có nghĩa là “ảo giá”

“Đắt” là điều đầu tiên người dùng nghĩ tới một chiếc MacBook bởi với cùng mức giá, họ có thể chọn một chiếc laptop dùng Windows với cấu hình cao hơn nhiều, hoặc tiết kiệm cả chục triệu đồng nếu mua cùng cấu hình với máy tính Apple. Điểm vượt trội đó chỉ xuất hiện ở thời điểm mua và giai đoạn đầu sử dụng, nhưng “đường dài mới biết ngựa hay”.

Hệ sinh thái giữa các thiết bị của Apple góp phần giữ chân người dùng

Ví dụ, một chiếc MacBook Air M1 có giá hơn 20 triệu đồng (model cơ bản) hiện nay có thể đáp ứng mọi nhu cầu máy tính của người dùng cơ bản, vẫn đảm bảo hoạt động mượt mà nhờ Apple tối ưu được phần cứng với phần mềm. Bên cạnh đó, thời lượng pin của thiết bị khó có đối thủ nào chạy Windows cùng mức giá có thể bì kịp.

Với “lịch sử” hỗ trợ dài lâu về phần mềm cũng như khả năng sử dụng trong nhiều năm vẫn ổn định, mức giá 21 – 22 triệu đồng bỏ ra ở thời điểm này cho một model cơ bản sẽ hợp lý sau khi cân nhắc yếu tố khấu hao khi phục vụ nhu cầu.

Hệ sinh thái Apple

Hệ sinh thái Apple là yếu tố quan trọng khiến nhiều người quyết định gắn bó với các sản phẩm của hãng. Nếu người dùng đang sở hữu iPhone, thì một chiếc MacBook sẽ phù hợp hơn máy tính Windows (trừ khi buộc phải sử dụng nền tảng của Microsoft vì lý do công việc hay nhu cầu đặc thù). Apple luôn nổi tiếng với khả năng mang đến trải nghiệm liền mạch giữa các thiết bị trong cùng hệ sinh thái của hãng.

Không chỉ các ứng dụng tương tự nhau và đồng bộ hóa trên cùng một iCloud (tài khoản quản lý riêng của Apple), người dùng dễ dàng tìm thấy nhiều tính năng không thể có nếu không dùng thiết bị chung một hệ sinh thái: ví dụ thực hiện lệnh sao chép (copy) trên máy này và dán (paste) ở trên máy khác, hay chụp hình từ iPhone và lấy ra sử dụng trên MacBook mà không cần thực hiện thao tác chuyển dữ liệu nào… Trên MacBook cũng có thể nhắn tin iMessage, nghe gọi FaceTime mà không cần phải mở iPhone lên…

Nếu có Apple Watch thì MacBook sẽ tự động mở khóa khi nắp máy được bật lên và còn rất nhiều tính năng tương tự đã trở thành “thương hiệu” của Apple. Nói chung, mọi thiết bị trong cùng hệ sinh thái Apple sẽ hoạt động như máy duy nhất và tương trợ lẫn nhau trong các tính năng.